3. Thay đổi biểu mẫu trong rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo:
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/3/2022 sửa đổi Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 và mẫu biểu báo cáo. Theo đó, thay thế, sửa đổi một số biểu mẫu, phụ lục trong rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau:
- Thay thế Phụ lục III Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH bằng Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH.
- Thay thế Phụ lục IV Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH bằng Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH.
- Sửa đổi các Mẫu số 7.8, Mẫu số 7.9, Mẫu số 7.10 Phụ lục VII Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH bằng các Mẫu số 7.8, Mẫu số 7.9, Mẫu số 7.10 Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH.
Các phụ lục, mẫu quy định nêu trên được áp dụng trong rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025 kể từ ngày 01/01/2022.
- Sửa đổi Ghi chú 1 tại khoản 1 mục II Phụ lục VIII Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH như sau: “Không tính khoản trợ cấp hoặc trợ giúp xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện”.
Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/5/2022.
4. Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vào ngày 24/7:
Ngày 19/4/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 1523/BGDĐT-QLCL hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Theo đó, ngày 06/7/2022 sẽ họp cán bộ làm công tác coi thi tại Điểm thi vào buổi sáng và thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, Lịch thi vào buổi chiều.
Môn thi đầu tiên bắt đầu phát đề thi vào lúc 07 giờ 30 ngày 07/7/2022, môn thi cuối cùng bắt đầu phát đề thi vào lúc 14 giờ 20 ngày 08/7/2022.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được công bố vào ngày 24/7/2022, đồng thời việc xét công nhận tốt nghiệp THPT được hoàn thành chậm nhất ngày 26/7/2022.
Việc tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có) được hoàn thành chậm nhất ngày 14/8/2022 và thực hiện xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo chậm nhất ngày 18/8/2022.
Xem chi tiết nội dung tại Công văn 1523/BGDĐT-QLCL ngày 19/4/2022.
5. Nghiên cứu xây dựng Luật Phòng vệ thương mại:
Ngày 19/4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược đặt ra 01 số giải pháp để hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Cụ thể:
- Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng vệ thương mại, xem xét sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại hoặc nghiên cứu xây dựng Luật Phòng vệ thương mại.
- Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh.
- Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng và đạt các chứng chỉ về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.
- Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp trong bối cảnh mới, hướng đến các mục tiêu công khai, minh bạch và bền vững.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu, vi phạm về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
- Đảm bảo an sinh và công bằng xã hội trong hoạt động xuất nhập khẩu; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Quyết định 493/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký.
6. Tiêu chí chọn dự án ĐTXD theo cơ chế đặc thù thuộc chương trình MTQG:
Ngày 19/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù bao gồm:
- Thuộc nội dung đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia.
- Dự án nằm trên địa bàn 01 đơn vị hành chính cấp xã, do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
- Tổng mức đầu tư dự án không vượt quá 05 tỷ đồng.
- Kỹ thuật không phức tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện.
- Thuộc danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
(Trước đây, tại Nghị định 161/2016/NĐ-CP còn có tiêu chí: Sử dụng một phần NSNN, phần kinh phí còn lại do nhân dân đóng góp và các nguồn khác, có sự tham gia thực hiện và giám sát của người dân).
Nghị định 27/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/4/2022, bãi bỏ Quyết định 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 và Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016.
7. Hoàn thành Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV/2022:
Ngày 21/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 57/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội. Theo đó, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt Quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội trong quý IV năm 2022 theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí hoặc hướng dẫn lựa chọn các dự án mang tính chất liên vùng;
Trên cơ sở đó rà soát, tổng hợp danh mục chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, hàng năm rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT chủ trì, làm việc với các đối tác phát triển và các nhà tài trợ xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư các dự án liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025 (nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi,...);
Trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, quản lý và bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu,... và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách vùng.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng phương án huy động nguồn lực để triển khai các dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng…
Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022.
8. Hướng dẫn triển khai ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”:
Ngày 15/4/2022, Bộ Y tế có Công văn 1908/BYT-CNTT hướng dẫn triển khai ký xác nhận Hộ chiếu vắc xin. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn; Các cơ sở tiêm chủng trực thuộc Bộ Y tế; Y tế Bộ, ngành:
Triển khai nghiêm túc việc việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19 phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đề nghị tại Công văn 1495/BYT-CNTT ngày 24/3/2022.
Tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng chức năng Phản ánh thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 trong trường hợp sai sót thông tin tiêm chủng COVID-19.
Chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý phản ánh của người dân theo hướng dẫn tại Công văn 9458/BYT-CNTT ngày 08/11/2021, hoàn thành việc xử lý các phản ánh của người dân trước ngày 15/4/2022 để đảm bảo ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin” cho người dân đã tiêm chủng COVID-19.
Triển khai ký số bắt đầu từ ngày 8/4/2022, Bộ Y tế sẽ ký xác nhận tập trung “Hộ chiếu vắc xin” cho người dân bắt đầu từ ngày 15/4/2022.
Trong quá trình thực hiện ký số chứng nhận tiêm trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 các đơn vị liên hệ Chi nhánh Viettel các tỉnh để được hỗ trợ. Nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Y tế để được giải quyết kịp thời.
Xem chi tiết tại Công văn 1908/BYT-CNTT ngày 15/4/2022.
9. Bộ Y tế chỉ đạo việc khám chữa bệnh hậu Covid-19:
Ngày 22/04/2022 Bộ Y tế ban hành Công văn 2055/BYT-KCB về việc khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện:
- Khám bệnh, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng sau khi mắc COVID-19 (sau đây gọi tắt là hậu COVID-19) nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung:
Theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.
- Khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và sau mắc COVID-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như:
+ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần;
+ Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (COVID-19)...
- Thực hiện công tác truyền thông, quảng cáo công tác khám bệnh, chữa bệnh, khám sau COVID-19 phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn.
Xem chi tiết tại Công văn 2055/BYT-KCB ngày 22/4/2022.
10. Danh mục bí mật nhà nước độ Mật lĩnh vực kiểm toán:
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 504/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực kiểm toán. Theo đó, bí mật nhà nước độ Mật gồm:
- Nội dung kết luận, kiến nghị xử lý của Kiểm toán nhà nước đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
- Nội dung kết luận, kiến nghị xử lý của Kiểm toán nhà nước đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
- Văn bản báo cáo, trao đổi của Kiểm toán nhà nước với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
So với trước đây, không còn danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật.
Quyết định 504/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 22/4/2022 và thay thế Quyết định 1663/QĐ-TTg ngày 26/10/2020.
11. Định kỳ hạn trả nợ, trả lãi khi học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính học online:
Tại Hướng dẫn 2466/NHCS-TDSV ngày 04/4/2022 về nghiệp vụ cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, quy định đình kỳ hạn trả nợ, trả lãi như sau:
- Đối với học sinh, sinh viên vay vốn thông qua hộ gia đình
+ Đối với cho vay ngắn hạn (đến 12 tháng trở xuống): Trả nợ gốc một lần khi đến hạn.
+ Đối với cho vay trung và dài hạn (trên 12 tháng): Kỳ hạn trả nợ gốc tối đa 6 tháng/lần.
+ Trả lãi: Định kỳ trả lãi theo tháng.
- Đối với sinh viên vay vốn trực tiếp
+ Việc định kỳ hạn trả nợ gốc được thực hiện ngay sau khi sinh viên ra trường, kỳ hạn trả nợ gốc tối đa 6 tháng/lần.
+ Trả lãi: Lãi tiền vay được tính từ ngày giải ngân đến ngày trả hết nợ gốc. Lãi được trả hàng tháng, bắt đầu từ tháng đầu tiên ngay sau khi sinh viên ra trường. Số tiền lãi phải trả hàng tháng tối thiểu bằng số tiền lãi tháng cộng với số lãi được phân bổ trong thời gian sinh viên đang theo học.
Xem thêm tại Hướng dẫn 2466/NHCS-TDSV ngày 04/4/2022.
12. Không cách ly F1 từ ngày 15/4/2022:
Đây là nội dung tại Công văn 1909/BYT-DP ngày 15/4/2022 điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần. Theo đó, trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định, người tiếp xúc gần (F1) phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp y tế sau:
- Bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người.
- Tự theo dõi sức khoẻ (đối với trẻ em, học sinh thì cha mẹ/người giám hộ/giáo viên theo dõi sức khỏe cho trẻ em, học sinh), khi có triệu chứng của bệnh (sốt và ho; hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.
- Khi có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm theo quy định.
Như vậy, từ ngày 15/4/2022, F1 không phải cách ly tại nhà.
Xem thêm tại Công văn 1909/BYT-DP ngày 15/4/2022.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn